Các Vấn đề chính gồm:
+ Bước Giá Cổ phiếu tại sàn HOSE / HNX / UPCoM.
+ Biên độ Dao động Giá Cổ phiếu trên 3 sàn HOSE / HNX / UPCoM.
+ Giá trần, Giá sàn tại HOSE / HNX / UPCoM và Quy tắc làm tròn.
Bước giá cổ phiếu tại HOSE, HNX và UPCoM
Theo quy định mới nhất của Luật thì cả 3 sàn có Bước giá cổ phiếu tuân theo quy tắc sau:
Trong hình: Các quy định về Bước giá Cổ phiếu trên cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM.
Theo quy định của Luật Chứng khoán thì 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM sẽ được phân chia bước giá cổ phiếu theo quy định như trên hình. Trong đó sàn HNX và UPCoM có chung quy định và khá đơn giản là tất cả đều chia hết cho bội số của 100 đồng (Hay 0.1 nếu đơn vị là ngàn đồng như trên các Bảng giá Chứng khoán mà bạn hay xem thấy). Bên sàn HOSE thì khá phức tạp hơn nhiều là được chia làm 3 vùng giá:
+ Với các vùng giá <10 ngàn đồng: thì toàn bộ vùng này lệnh đặt mua bán đều phải chia hết cho 10 đồng hay 0.01 nếu đơn vị là ngàn đồng như trên các Bảng giá Chứng khoán mà bạn hay xem.
+ Với các vùng giá từ 10 ngàn đồng đến 50 ngàn đồng: thì toàn bộ vùng này lệnh đặt mua bán đều phải chia hết cho 50 đồng hay 0.05 nếu đơn vị là ngàn đồng như trên các Bảng giá Chứng khoán mà bạn hay xem.
+ Với các vùng giá từ >50 ngàn đồng: thì toàn bộ vùng này lệnh đặt mua bán đều phải chia hết cho 100 đồng hay 0.1 nếu đơn vị là ngàn đồng như trên các Bảng giá Chứng khoán mà bạn hay xem. Ta có thể đối chiếu quy tắc trên như trong hình ảnh thực tế Bảng giá Chứng khoán sau:
Trong hình: Bảng giá Chứng khoán với 1 số mã ở các vùng giá khác nhau được treo lên trên sàn HOSE.
Trong hình thì mình có treo lên 5 mã khá nổi tiếng là: FLC (FLC), BID (BIDV), HPG (Hòa Phát), MWG (Thế giới Di động) và VNM (Vinamilk) là đại diện của 3 vùng giá khác nhau đối với sàn HOSE. Ví dụ như các mũi tên đỏ trên hình chỉ vào mã cổ phiếu FLC thì có các lệnh đặt được xuất hiện trên bảng lần lượt là 7.18 – 7.19 – 7.2 – 7.21 – 7.22 – 7.23 (Ngàn đồng). Để ý thấy các bước giá đặt của FLC đều tuân theo đúng quy tắc các cổ phiếu giá < 10 (Ngàn đồng) là chia hết cho 0.01. Tương tự thì BID, HPG thuộc vùng giá từ 10 đến 50 (Ngàn đồng) nên sẽ chia hết cho 0.05 và MWG, VNM thuộc vùng giá > 50 (Ngàn đồng) nên sẽ chia hết cho 0.1. Trường hợp nếu bạn đặt không đúng quy tắc trên trong Tài khoản Giao dịch Online thì hệ thống của Công ty Chứng khoán sẽ tự động báo lỗi là bạn đặt chưa đúng.
Biên độ dao động Giá cổ phiếu trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM
Theo quy định của Luật Chứng khoán hiện nay thì Việt Nam mình đang có 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM và biên độ dao động Giá của các sàn này lần lượt là 7%, 10% và 15%. Sàn càng minh bạch hơn thì biên độ dao động càng hẹp hơn. Biên độ dao động thể hiện % tối đa 1 ngày được phép dao động của Giá 1 cổ phiếu đang niêm yết trên sàn đó. Cụ thể như hình sau:
Trong hình: Các quy định về Biên độ Dao động cổ phiếu trên cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM.
Trong ảnh trên thì ta có thể dễ dàng thấy biên độ dao động lần lượt là 7%, 10% và 15% với sàn HOSE, HNX và UPCoM. Riêng trường hợp đặc biệt là Phiên chào sàn – Phiên giao dịch đầu tiên lên sàn do tính chất trước đó không có Phiên trước đó nên không có Giá tham chiếu như cách thông thường là Giá đóng cửa Phiên liền trước (HOSE, HNX) hay Giá Bình quân Phiên liền trước (UPCoM) nên Giá tham chiếu sẽ là Giá tham chiếu lý thuyết (Do Công ty Chứng khoán tư vấn lên sàn lập luận trên cơ sở các Công ty cùng ngành đã lên trước đó và được Sở giao dịch Chứng khoán đồng ý). Do sợ rằng Giá tham chiếu lý thuyết được Công ty Chứng khoán tư vấn đưa ra có thể không chính xác lắm nên riêng Phiên đầu tiên này Biên độ sẽ rộng ra hơn so với bình thường khá nhiều và lần lượt là 20%, 30% và 40% đối với các sàn HOSE, HNX và UPCoM. Mục đích chính của việc rộng ra này nhằm cho phép Cung – Cầu Mua bán đi về được đúng Giá thị trường chính xác hơn. Chi tiết các Phương pháp Định giá Giá Tham chiếu lý thuyết này sẽ được mình trình bày trong 1 bài viết khác cụ thể hơn.
Giá trần, Giá sàn tại HOSE, HNX, UPCoM và quy tắc tính làm tròn
– Theo quy định hiện nay thì Giá trần = Giá tham chiếu x (1 + Biên độ dao động) và Giá sàn = Giá tham chiếu x (1 – Biên độ dao động). Và trong 1 ngày thì Giá cổ phiếu chỉ được phép giao dịch nằm trong vùng từ Giá sàn lên đến Giá trần. Ví dụ: Giá tham chiếu là 10.000 đồng và mã cổ phiếu này đang niêm yết ở HOSE tức biên độ dao động là 7% thì Giá trần của mã này sẽ là 10.000 x (1+7%) = 10.700 đồng và Giá sàn của mã này sẽ là 10.000 x (1-7%) = 9.300 đồng. Và theo quy định thì thì vùng giá bạn được phép đặt lệnh chỉ nằm trong vùng từ 9.300 đồng đến 10.700 đồng. Nếu bạn nhập vào hệ thống mua 10.900 đồng chả hạn là hệ thống sẽ báo lỗi không cho đặt.
– Quy tắc làm tròn số xuống khi tính Biên độ dao động và Giá trần, Giá sàn: theo quy định của Luật Chứng khoán thì biên độ lần lượt là 7%, 10% và 15% với cả 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM. Tuy nhiên trong thực tế nảy sinh ra 1 vấn đề là khi nhân với 7% hay 10% hay 15% thì đa phần là sẽ phát sinh số lẻ phía sau. Bây giờ cần phải xử lí và làm rõ vấn đề này. Ta có hình thực tế như sau:
Trong hình: Bảng giá Chứng khoán với mã BID được treo lên với Giá tham chiếu, Giá trần, Giá sàn trong Phiên giao dịch ngày 07/08/2017.
Trong hình ảnh trên là Bảng giá Chứng khoán tại sàn HOSE Phiên giao dịch ngày 07/08/2017 và Mã Chứng khoán BID của Ngân hàng BIDV được treo lên để dễ nhìn. Ta dễ thấy ở mũi tên bên trái ngoài cùng là chỉ về cột “TC” tức là cột Giá tham chiếu là 22.4 (Hay 22.400 đồng nếu viết đầy đủ). Bây giờ ta sẽ làm rõ cách tính để tính ra Giá trần và Giá sàn ở 2 cột bên cạnh với 2 mũi tên đỏ kế bên. Ta có Giá tham chiếu của BIDV là 22.400 đồng, do ở sàn HOSE nên biên độ là 7% khi đó Giá trị của Biên độ sẽ là: 22.400 đồng x 7% = 1.568 đồng. Đây là 1 Giá trị Biên độ rất lẻ. Do giá cổ phiếu của BID đang nằm trong vùng giá từ 10 – 50 ngàn đồng nên bước giá vùng này như trình bày ở phần đầu của bài là 50 đồng 1 lần nhảy giá và 2 giá trị sát nhất liền trước và liền sau của Giá trị Biên độ này 1.568 đồng sẽ là vùng giá của 1.550 đồng và 1.600 đồng. Tuy nhiên theo quy định của Luật thì Giá trị Biên độ đó không được vượt quá Biên độ (7% với sàn HOSE) nên luôn phải làm tròn xuống là 1.550 đồng. Khi đó giá trị tối đa thực của Biên độ Dao động trong ngày 07/08/2017 của BID sẽ là: 1.550 đồng / 22.400 đồng = 6,92% và Giá trần BID khi đó là 22.400 đồng + 1.550 đồng = 23.950 đồng – Giá sàn BID khi đó là 22.400 đồng – 1.550 đồng = 20.850 đồng. Bạn có thể so sánh kết quả trên với hình ảnh ở trên.
– Tại sao không làm tròn lên mà lại cứ phải làm tròn xuống? Vẫn ví dụ trên, bây giờ thay vì là 1.550 đồng ta chọn là 1.600 đồng. Khi đó giá trị tối đa thực của Biên độ Dao động trong ngày 07/08/2017 của BID sẽ là: 1.600 đồng / 22.400 đồng = 7,14% và tất nhiên là đã vượt qua con số 7% và điều này là không được. Một số ví dụ khác ở các vùng giá ở sàn HOSE để bạn được rõ hơn:
Trong hình: Bảng giá Chứng khoán với mã khác nữa như FLC, HPG, MWG và VNM được treo lên với Giá tham chiếu, Giá trần, Giá sàn trong Phiên giao dịch ngày 07/08/2017
+ Mã FLC (FLC): Giá tham chiếu là 7.200 đồng. Giá trị biên độ: 7.200 x 7% = 504 đồng. Do giá 7.200 < 10.000 đồng nên bước giá sẽ nhảy 10 đồng 1 lần. Làm tròn xuống giá trị biên độ là 500 đồng. Giá trần sẽ là: 7.200 + 500 = 7.700 đồng. Giá sàn sẽ là: 7.200 – 500 = 7.200 đồng.
+ Mã HPG (Hòa Phát): Giá tham chiếu là 32.000 đồng. Giá trị biên độ: 32.000 x 7% = 2.240 đồng. Do giá 32.000 < 50.000 đồng nhưng lại lớn hơn >10.000 đồng nên bước giá sẽ nhảy 50 đồng 1 lần. Làm tròn xuống giá trị biên độ là 2.200 đồng. Giá trần sẽ là: 32.000 + 2.200 = 34.200 đồng. Giá sàn sẽ là: 32.000 – 2.200 = 29.800 đồng.
+ Mã MWG (Thế giới Di động): Giá tham chiếu là 106.500 đồng. Giá trị biên độ: 106.500 x 7% = 7.455 đồng. Do giá 106.500 > 50.000 đồng nên bước giá sẽ nhảy 100 đồng 1 lần. Làm tròn xuống giá trị biên độ là 7.400 đồng. Giá trần sẽ là: 106.500 + 7.400 = 113.900 đồng. Giá sàn sẽ là: 106.500 – 7.400 = 99.100 đồng.
+ Mã VNM (Vinamilk): Giá tham chiếu là 154.000 đồng. Giá trị biên độ: 154.000 x 7% = 10.780 đồng. Do giá 154.000 > 50.000 đồng nên bước giá sẽ nhảy 100 đồng 1 lần. Làm tròn xuống giá trị biên độ là 10.700 đồng. Giá trần sẽ là: 154.000 + 10.700 = 164.700 đồng. Giá sàn sẽ là: 154.000 – 10.700 = 143.300 đồng.
Với các mã ở sàn HNX và UPCoM thì đơn giản hơn, không cần phân biệt vùng giá, vì mọi bước nhảy luôn là 100 đồng 1 lần. Chỉ khác thêm chút là biên độ tối đa lớn hơn 10% và 15%. Bạn có thể tự tính toán để có kết quả tương tự tại sàn HNX như hình sau:
Trong hình: Bảng giá Chứng khoán sàn HNX với mã như ACB, PVI, PVS, SHB, VCG, VCS và VND được treo lên với Giá tham chiếu, Giá trần, Giá sàn trong Phiên giao dịch ngày 13/08/2017
Như vậy chúng ta đã hiểu thế nào là bước giá cổ phiếu, biên độ giao động của giá cổ phiếu trên 3 sàn HOSE / HNX / UPCoM cũng như giá trần và giá sàn. Hy vọng kiến thức bổ ích này sẽ giúp ích được cho các bạn!
Chúc các bạn giao dịch thành công!