Ở bài viết trước Cách tính Chỉ số VN-Index và HNX-Index ta đã biết đến việc tính Chỉ số Giá chung của cả Thị trường là VN-Index và HNX-Index. Tuy nhiên bên cạnh 2 chỉ số Tổng trên còn có rất nhiều chỉ số phụ khác, trong đó nổi tiếng nhất là 2 chỉ số VN30 và HNX30. Vậy chỉ số VN30 và Chỉ số HNX30 là gì và Tại sao lại có thêm chỉ số phụ này trong khi đã có các Chỉ số Tổng VN-Index và HNX-Index?Để thuận tiện, mình sẽ tập trung chính vào VN30 của sàn HOSE, Chỉ số còn lại là HNX30 có tính chất tương tự nhưng của sàn HNX sẽ được trình bày ở cuối bài. Ngoài ra còn rất nhiều chỉ số phụ khác của cả 2 Sở, tuy nhiên trong phạm vi bài này sẽ giới thiệu qua 2 chỉ số tương đối quan trọng còn lại là: VNMidcap và VN100.
Bài viết này cũng là một phần trong Tổng thể Các bước Tìm hiểu Chứng khoán Cơ bản để bạn biết cách Phân tích Cổ phiếu. Các Vấn đề chính của Phần 1 gồm:
+ Tại sao cần có VN30 sau khi đã có VN-Index?
+ Khái niệm, Định kỳ thay đổi Cơ cấu Danh mục, Thời gian lấy Dữ liệu và Ngày công bố thông tin của Chỉ số VN30.
+ Điều kiện “Cần” để tham gia Chỉ số VN30 là gì?
+ Phần 2 (Phần Tiếp) – Chỉ số VN30, Chỉ số HNX30 và Cách lựa chọn Cổ phiếu vào Chỉ số (Phần 2).
+ Phần 3 (Phần Tiếp) – Chỉ số VN30, Chỉ số HNX30 và Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa (Phần 3).
+ Phần 4 (Phần Tiếp) – Cách tính Chỉ số VN30, Chỉ số HNX30 (Phần 4).
Tại sao lại cần có thêm VN30 sau khi đã có VN-Index?
Như ta đã biết ở bài viết trên Cách tính Chỉ số VN-Index và HNX-Index thì VN-Index chỉ đơn giản là Tổng Giá trị Vốn hóa Thị trường của tất cả các Cổ phiếu đang niêm yết trên sàn HOSE. Tuy nhiên trong thực tế vận hành chỉ số Tổng nói trên thì đã xuất hiện một số hạn chế:
– Có một số Công ty lớn có ảnh hưởng đến chỉ số nhưng thanh khoản lại quá thấp, giao dịch rất lèo tèo, chỉ 1 số Lệnh Giao dịch với Giá trị nhỏ cũng thao túng được các cổ phiếu này và qua đó ảnh hưởng đến Chỉ số Thị trường, gây méo mó, phản ánh không đúng Tâm lý chung của Thị trường ở một thời điểm nhất định.
Trong hình: Thông tin về BHN (Bia Hà Nội) trên CafeF – Dễ thấy Giá dao động mạnh, Vốn hóa thay đổi mạnh và thanh khoản rất thấp (Link gốc ảnh)
Nguyên nhân của việc BHN dù là 1 Công ty ở mức khá nhưng lại giao dịch rất ít nên dễ dẫn đến bị thao túng Giá, việc giao dịch rất ít này là kết quả từ việc số cổ phiếu tự do chuyển nhượng thực sự (Gọi tắt Tiếng Anh là Free Float) quá ít. Do là 1 Công ty ở quy mô hạng khá nên sẽ có ảnh hưởng nhất định đến chỉ số khi Giá bị thao túng. Vốn hóa Thị trường lúc cao điểm Giá cổ phiếu >200 ngàn đồng là 40 ngàn tỷ đồng (Do số lượng cổ phiếu lưu hành đang là 231,8 triệu cổ phiếu).
Trong hình: Cơ cấu cổ đông của BHN trên trong Báo cáo thường niên 2017 – Trang 14/30 – Dễ thấy Bộ Công thương và Tập đoàn Carlsberg nắm hơn 99% Công ty. Phần còn lại còn rất ít (Link gốc ảnh)
Trong hình trên bạn dễ thấy, 2 cổ đông là Bộ Công thương và Carlsberg đã nắm đến hơn 99%, phần còn lại 577 cổ đông chỉ nắm đâu khoảng hơn 1,6 triệu cổ phiếu trên Tổng số là 231,8 triệu cổ. Có thể nói đây là 1 tỷ lệ tự do vô cùng thấp.
– Có một số Công ty mới Niêm yết lại được định giá quá cao và theo thời gian thì sẽ bị điều chỉnh giá dần. Tuy nhiên cũng góp phần làm ảnh hưởng Chỉ số chung của Thị trường. Đây cũng là 1 yếu tố không tốt.
Trong hình: Techcombank là Doanh nghiệp mới niêm yết gần đây, tuy nhiên khi chào sàn TCB có giá khá cao 102.400 đồng/cổ phiếu. 1 tháng sau Giá chỉ cồn 81.000 đồng/cổ phiếu (Link gốc ảnh)
Techcombank là 1 Ngân hàng lớn trong khối tư nhân, hoạt động khá tốt, đóng cửa Phiên đầu tiên Ngân hàng có giá lá 102.400 đồng / cổ phiếu. 1 tháng sau khi niêm yết tức ngày 04/07/2018 thì Giá cổ phiếu chỉ còn 81.000 đồng, tức là Giảm 20,9%, mức giảm này mạnh hơn rất nhiều so với chỉ số VN-Index trong kỳ là 9,54%. Ngân hàng cũng thuộc Top 20 Công ty lớn nhất sàn HOSE. Như vậy vô hình chung việc này làm méo mó phần nào chỉ số VN-Index. Như vậy nhu cầu ra đời 1 số Chỉ số khác phù hơn khắc phục các nhược điểm trên của VN-Index là cần thiết. Ở đây chính là VN30.
Khái niệm, Định kỳ thay đổi Cơ cấu Danh mục, Thời gian lấy Dữ liệu và Ngày Công bố thông tin của Chỉ số VN30
– Khái niệm: Chỉ số VN30 được hiểu nôm na là Chỉ số hỗn hợp đại diện cho 30 Công ty hàng đầu đang Niêm yết trên sàn HOSE. Mặc dù chỉ có 30 Công ty nhưng do được chọn lọc là những Công ty lớn nhất nên Chỉ số VN30 sẽ chiếm khoảng hơn 80% Tổng Giá trị vốn hóa của cả Thị trường (VN-Index). Việc chỉ chọn ra 30 Công ty sẽ giúp cho Chỉ số này loại bỏ được các Yếu tố nhiễu loạn như đã mắc của Chỉ số Tổng VN-Index như đã trình bày ở trên nhưng cũng không làm sai khác quá nhiều xu hướng của Thị trường do đã đại diện được trên 80% Vốn hóa Thị trường của VN-Index. Về Giá trị giao dịch: Thống kê cũng chỉ ra VN30 thường chiếm khoảng 50% Giá trị Giao dịch hàng ngày của Toàn thị trường.
Trong hình: Danh mục 30 Cổ phiếu chính thức của Chỉ số VN30 – Kỳ 6 tháng 07/2018 – 01/2019 và 5 Cổ phiếu Dự phòng (Link gốc ảnh)
– Định kỳ thay đổi Cơ cấu Danh mục: theo quy định hiện tại thì cứ 06 tháng 1 lần Sở HOSE sẽ xem xét thay đổi Danh mục cơ cấu Chỉ số VN30. Sẽ có 1 số Cổ phiếu không đạt chỉ tiêu bị loại ra, trong khi lại có 1 số Cổ phiếu mới khác đạt tiêu chí lại tham gia vào. Mặc dù nói là thay đổi toàn bộ lại nhưng thực tế trong mỗi kỳ thay đổi việc ra vào cũng chỉ khoảng 2 – 3 / 30 Cổ phiếu, không biến động quá lớn. Ngày thay đổi Cơ cấu Danh mục Chỉ số VN30 là ngày Thứ 2 của Tuần thứ 4 của tháng 1 (Kỳ 1 của năm) hoặc Tháng 7 trong năm (Kỳ 2 của năm).
Trong hình: Lịch làm việc trong ngành Chứng khoán Tháng 1/2018 và 7/2018. Trong đó các Thứ 2 hàng tuần có phần dấu đỏ bao quanh (Link gốc ảnh)
Như trong hình trên thì phía bên trái là Tháng 1/2018, ta có Thứ 2 của Tuần thứ 1 là Ngày 01/01/2018; Thứ 2 của Tuần thứ 2 là Ngày 08/01/2018; Thứ 2 của Tuần thứ 3 là Ngày 15/08/2018 và Thứ 2 của Tuần thứ 4 là Ngày 22/01/2018. Tương tự như vậy, trong hình bên phải là Tháng 7/2018, ta lần lượt có Thứ 2 của Tuần thứ 1 là Ngày 02/07/2018; Thứ 2 của Tuần thứ 2 là Ngày 09/07/2018; Thứ 2 của Tuần thứ 3 là Ngày 16/07/2018 và Thứ 2 của Tuần thứ 4 là Ngày 23/07/2018. Như vậy Danh mục Chỉ số VN30 – Kỳ 1/2018 sẽ bắt đầu: từ Thứ 2 – Ngày 22/01/2018 đến Thứ 6 – Ngày 20/07/2018. Một cách tương tự ta có Danh mục Chỉ số VN30 – Kỳ 2/2018 sẽ bắt đầu: từ Thứ 2 – Ngày 23/07/2017 đến Thứ 6 – Ngày 25/01/2019.
– Ngày lấy Dữ liệu để xem xét thay đổi cơ cấu danh mục: Ngày giao dịch cuối cùng của Tháng 6 (Kỳ 1 của Năm) và Tháng 12 (Kỳ 2 của Năm). Ví dụ: với Kỳ 1 của năm 2018 thì là Thứ 6 – Ngày 29/06/2018 và cả kỳ là từ Thứ 3 – Ngày 02/01/2018 đến Thứ 6 – 29/06/2018 (6 tháng đầu năm Dương lịch 2018). Như vậy Dữ liệu kỳ 1/2018 này chính là để xem xét xếp Danh mục Chỉ số VN30 – Kỳ 2/2018. Một cách tương tự, Ngày giao dịch cuối cùng Kỳ 2/2018 là Thứ 6 – 28/12/2018 và cả kỳ là từ Thứ 2 – 02/07/2018 đến Thứ 6 – Ngày 28/12/2018 (6 tháng cuối năm Dương lịch 2018). Đây là cơ sở Dữ liệu để xem xét Danh mục Chỉ số VN30 – Kỳ 1/2019.
Trong hình: Lịch làm việc trong Ngành Chứng khoán Tháng 1/2018 và 6/2018. Trong đó các ngày giao dịch đầu tiên và cuối cùng của 6 tháng đầu năm 2018 có phần dấu đỏ bao quanh (Link gốc ảnh)
– Ngày Công bố Thông tin của Sở HOSE về việc thay đổi Danh mục Chỉ số VN30 kỳ mới: là Ngày Thứ 2 của Tuần thứ 3 của Tháng 1 hoặc Tháng 7 hàng năm. Ví dụ tại Kỳ 2/2018 thì Thứ 2 của Tuần thứ 1 là Ngày 02/07/2018; Thứ 2 của Tuần thứ 2 là Ngày 09/07/2018 và Thứ 2 của Tuần thứ 3 là Ngày 16/07/2018. Đúng ngày 16/07/2018, Sở HOSE đã Công bố trên Website của mình về Bộ chỉ số mới như trong Link Thông báo Danh mục Cổ phiếu thành phần của Bộ Chỉ số HOSE-Index – HOSE.
Ngoài ra vào giữa kỳ thì HOSE cũng sẽ công bố cập nhật lại Chỉ số VN30 về Tỷ lệ Free-Float, Số lượng Cổ phiếu Đang lưu hành và Giới hạn Tỷ trọng Vốn hóa. Thời gian Công bố là: Ngày Thứ 2 của Tuần thứ 3 của Tháng 4 hoặc Tháng 10 hàng năm. Ví dụ tại Kỳ 2/2018 giữa Kỳ (Trong Tháng 10/2018) thì Thứ 2 của Tuần thứ 1 là Ngày 1/10/2018; Thứ 2 của Tuần thứ 2 là 08/10/2018 và Thứ 2 của Tuần thứ 3 là Ngày 15/10/2018. Đúng ngày 15/10/2018, Sở HOSE đã Công bố trên Website của mình về Cập nhật Giữa Kỳ của Bộ Chỉ số như trong Link Thông báo Cập nhật giữa Kỳ Danh mục Cổ phiếu thành phần của Bộ Chỉ số HOSE-Index – HOSE.
– Một số thay đổi của Chỉ số VN30 kể từ Năm 2019 – Thay đổi ngày Hiệu lực của Chỉ số VN30 cả Kỳ mới và Giữa Kỳ: Theo quyết định thì từ 2019 Chỉ số VN30 sẽ có 3 thay đổi lớn và 1 trong số đó liên quan đến phần này, Ngày thay đổi Chỉ số VN30 và Ngày Cập nhật Giữa kỳ (Hay Ngày thay đổi Cơ cấu Danh mục Chỉ số VN30 ở trên).
Trong hình: Một số thay đổi của HOSE về Chỉ số VN30 kể từ Kỳ mới của năm 2019. Trong đó có Thay đổi Thời gian Hiệu lực của Cơ cấu Danh mục Chỉ số VN30 mới hoặc Cập nhật Giữa kỳ (Link gốc ảnh)
Bắt đầu từ Năm 2019, Chỉ số VN30 sẽ thay đổi Ngày thay đổi Cơ cấu Danh mục Chỉ số VN30 kỳ mới từ Thứ 2 của Tuần thứ 4 của Tháng 1 hoặc 7 thành Thứ 2 của Tuần thứ 1 của Tháng 2 hoặc 8. Về Cập nhật Giữa kỳ sẽ thay đổi Ngày Cập nhật Cơ cấu Danh mục Chỉ số VN30 từ Thứ 2 của Tuần thứ 4 của Tháng 4 hoặc 10 thành Thứ 2 của Tuần thứ 1 của Tháng 5 hoặc 11. Ví dụ như tại Kỳ 1/2019 thì Ngày thay đổi sẽ là Thứ 2 của Tuần thứ 1 của Tháng 2/2019, tức là Ngày 04/02/2019 (Trùng đúng đợt Nghỉ lễ Tết âm lịch 2019).
Điều kiện “Cần” để tham gia Chỉ số VN30 là gì?
Theo quy định hiện tại, muốn gia nhập tham gia Chỉ số VN30 thì Cổ phiếu của các Công ty Niêm yết sẽ phải thỏa mãn 4 Điều kiện Cần sau để được xem xét xét vào Chỉ số:
– Điều kiện 1: Đang Niêm yết ở sàn HOSE và Cổ phiếu không bị thuộc vào Danh sách Cổ phiếu bị Cảnh báo, Cổ phiếu bị Kiểm soát, Cổ phiếu bị Kiểm soát Đặc biệt hay Cổ phiếu bị Tạm ngừng Giao dịch trong vòng 3 tháng gần đây tính tới Thời điểm Ngày lấy Dữ liệu Xem xét Chỉ số VN30 (Ngày giao dịch cuối cùng của Tháng 6 hoặc Tháng 12). Nhìn chung đây là các Cổ phiếu thường dính các lỗi Vi phạm chậm Công bố Thông tin, Báo cáo bị lỗ hoặc Kinh doanh có vấn đề bị Kiểm toán lưu ý. Bạn có thể xem thêm Bài viết sau để biết rõ hơn vấn đề này: Cổ phiếu bị Cảnh báo, Cổ phiếu bị Kiểm soát, Cổ phiếu bị Tạm ngừng giao dịch là gì?.
Trong hình: Thông báo của HOSE về việc Cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai bị xếp vào diện bị Cảnh báo do Kiểm toán đưa ra ý kiến Ngoại trừ trên Báo cáo Tài chính Hợp nhất Kiểm toán năm 2017 (Link gốc ảnh)
– Điều kiện 2: Cổ phiếu đã Niêm yết trên sàn HOSE ít nhất hơn 6 tháng tính tới Thời điểm Ngày lấy Dữ liệu Xem xét Chỉ số VN30 (Ngày giao dịch cuối cùng của Tháng 6 hoặc Tháng 12). Trường hợp Đặc biệt, Top 5 Vốn hóa Thị trường thì sẽ được tính ngắn lại 3 tháng thay vì là 6 tháng như bình thường. Lý do cho Điều kiện này của Sở ở điểm, các Công ty Niêm yết khi mới lên sàn thường giá cả khá là lộn xộn, Giá cổ phiếu có thể chưa chính xác ngay được và cần thời gian để Giá về đúng mức được Thị trường đánh giá đúng nên 6 tháng sau khi Niêm yết mới được xem xét là cần thiết. Riêng các Công ty quá lớn khi Niêm yết, ở đây là Top 5 thì Sở xem xét đặc biệt vì nếu để ngoài quá lâu sẽ làm méo mó Chỉ số chung Định hướng Thị trường nên được rút ngắn lại còn 3 tháng.
Trong hình: Cổ phiếu VHM – Vinhomes mới niêm yết và tính tới cuối Tháng 6/2018 đã là Công ty có Vốn hóa Thị trường lớn thứ 2. Tuy nhiên do mới Niêm yết hơn 1 tháng nên không được xếp vào VN30 Kỳ 2/2018 của HOSE (Link gốc ảnh)
– Điều kiện 3: Tỷ lệ Free-Float hay còn gọi là Tỷ lệ Cổ phiếu Tự do Chuyển nhượng: được tính bằng cách lấy 100% số cổ phiếu đang lưu hành của Công ty trừ đi Cổ phiếu đang được nắm giữ bởi các Cổ đông lớn, Cổ đông Nội bộ, Người liên quan (Bố, Mẹ, Anh ruột, Chị Ruột, Em ruột, Vợ / Chồng, Con của Cổ đông lớn hoặc Cổ đông Nội bộ ), Cổ đông Nhà nước, … Nhìn chung đây là các Cổ đông muốn bán thì có sự ràng buộc nhất định ví dụ như Muốn bán thì phải Đăng ký Bán hoặc Bán xong phải Báo cáo Bán. Nôm na là nếu “bên trong” cầm quá nhiều thì tự do “bên ngoài” không còn bao nhiêu và điều đó sẽ dễ bị “thao túng”, làm cho Giá cổ phiếu phản ánh không chính xác tính Thị trường thông thường và gây méo mó Chỉ số chung nên cần phải loại khỏi Chỉ số VN30. Tỷ lệ tự do “bên ngoài” cầm đó trên Tổng cả Công ty được gọi là Tỷ lệ Free-Float và Tỷ lệ Free-Float này nếu <5% tại Thời điểm Ngày lấy Dữ liệu Xem xét Chỉ số VN30 (Ngày giao dịch cuối cùng của Tháng 6 hoặc Tháng 12) thì cổ phiếu đó sẽ bị loại khỏi việc xem xét vào Chỉ số VN30. Bạn có thể xem thêm Bài viết sau để biết rõ hơn vấn đề này: Tỷ lệ Free-Float và Vốn hóa Thị trường điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float.
Trong hình: Cổ phiếu BID – Ngân hàng BIDV do Tỷ lệ Free-Float quá thấp <5% nên bị loại và không được xếp vào VN30 Kỳ 2/2018 của HOSE (Link gốc ảnh)
Mặc dù HOSE không nêu thành quy định nhưng Kinh nghiệm thực tế cũng cho thấy Trường hợp nếu Cổ phiếu nằm trong Top 5 Vốn hóa Thị trường cũng có những ngoại lệ như trường hợp của Cổ phiếu GAS – Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP với Tỷ lệ Free-Float chưa đạt 5% do Công ty mẹ – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm chính 95,76% nhưng vẫn tiếp tục có mặt trong Chỉ số VN30.
– Điều kiện 4: Thanh khoản Chứng khoán, nếu thanh khoản Chứng khoán quá thấp đến 1 mức độ nào đó thì bản chất cũng không khác gì Điều kiện Tỷ lệ Free-Float ở trên, Giao dịch hàng ngày quá ít cũng sẽ làm cho Giá cổ phiếu đó dễ bị “Thao túng”. Để đo đường điều này thì Sở HOSE đã dùng khác niệm Tỷ suất Vòng quay Chứng khoán. Tỷ suất Vòng quay Chứng khoán được tính toán đo lường dựa trên Công thức cơ bản: Giá trị Giao dịch Bình quân hàng ngày trong kỳ xem xét / Vốn hóa Thị trường Điều chỉnh Tỷ lệ Free-Float bình quân hàng ngày. Bản chất ở đây là Giá trị Giao dịch bình quân hàng ngày so với Vốn hóa Thị trường phần các Cổ phiếu trôi nổi “bên ngoài” không phải do Cổ đông lớn, Cổ đông Nội bộ, Cổ đông Liên quan sở hữu. Quy định hiện tại là Tỷ suất Vòng quay Chứng khoán > 0,05%, riêng các Cổ phiếu đang sẵn ở trong Chỉ số VN30 thì chỉ cần > 0,04%. Bạn có thể xem thêm Bài viết sau để biết rõ hơn vấn đề này: Thanh khoản Chứng khoán và Tỷ suất Vòng quay Chứng khoán.
Chúc các bạn đầu tư thành công!