Khi mới Tham gia Tìm hiểu và Đầu tư Chứng khoán. Bạn sẽ thấy các Công ty Niêm yết cứ sau 1 năm làm ăn thuận lợi thì phải có chia chác. Ở đây chính là Cổ tức và rõ ràng đây là một mối quan tâm hàng đầu khi Đánh giá 1 Công ty Niêm yết nào đó. Tuy nhiên khi đọc 1 bản Công bố Thông tin về Cổ tức thì Bạn sẽ thấy có các Thông tin sau:
Trong hình: Nghị quyết Hội đồng Quản trị của Vietcombank (Mã Chứng khoán: VCB) về việc thanh toán cổ tức năm 2017 bằng tiền mặt cho Cổ đông của VCB.
Trong hình trên là việc Vietcombank ra Nghị quyết Hội đồng Quản trị thông báo Trả Cổ tức Tiền mặt cho Cổ đông. Trong đó có 3 Nội dung chính: Nội dung 1 – Tỷ lệ trả là 8% hay mỗi cổ phiếu được nhận 800 đồng (Dễ hiểu); Nội dung 3 – Ngày thanh toán Cổ tức: 25/10/2018 (Đến ngày này sẽ được nhận – Dễ hiểu) và Nội dung 2 – Ngày Đăng ký Cuối cùng để thực hiện quyền nhận Cổ tức năm 2017. Câu hỏi ở đây là: Ngày Đăng ký Cuối cùng ở đây là gì? “Cuối cùng” trong cụm từ đó có Nghĩa gì và Tại sao lại là Ngày Đăng ký cuối cùng mà không phải là Ngày Đăng ký Đầu tiên.
Ngoài ra, chủ đề này cũng là một phần trong Tổng thể Các bước Tìm hiểu Chứng khoán Cơ bản để bạn biết cách Phân tích Cổ phiếu. Các Vấn đề chính gồm:
+ Ngày Đăng ký Cuối cùng hay Ngày chốt Danh sách Cổ đông?
+ Tại sao Ngày Chốt Danh sách Cổ đông lại có Tên gọi là Ngày Đăng ký Cuối cùng?
+ Một số quy định, Cách tra cứu, Lịch Công bố hàng ngày – Ngày Đăng ký Cuối cùng.
Ngày Đăng ký Cuối cùng hay Ngày chốt Danh sách Cổ đông?
Ta biết rằng khi hoạt động dưới Hình thức Công ty Cổ phần thì hàng năm đều phải có 1 số hoạt động liên quan đến Cổ đông – những ông chủ góp Vốn và Sở hữu Công ty như: Đại hội cổ đông thường niên, Lấy ý kiến cổ đông bằng Văn bản, Cổ tức tiền mặt, Cổ tức Cổ phiếu, Cổ phiếu thưởng, Quyền mua tăng vốn, … . Tuy nhiên kể cả khi chưa Niêm yết thì hễ là tồn tại dưới hình thức Công ty Cổ phần thì việc chuyển nhượng vốn vẫn diễn ra thường xuyên. Do đó để Tổ chức được các hoạt động như trên cần phải chốt được chính xác 1 thời gian nhất định để Hễ ai thời điểm đó sở hữu Cổ phiếu của Công ty là được hưởng các Quyền trên như Quyền được đi Họp Đại hội cổ đông, Quyền được nhận Cổ tức, … Thậm chí để đảm bảo chính xác trong khoảng thời gian chốt Danh sách được hưởng Quyền như vậy. Một số Công ty chưa Niêm yết còn không cho Mua Bán Chuyển nhượng Cổ phiếu của chính mình để Chốt Danh sách Cổ đông được chính xác.
Trong hình: Nam A Bank dù chưa lên sàn nhưng cũng có Chốt Danh sách để chuẩn bị lên sàn UPCoM. Sau 16h ngày 22/10/2018 sẽ không được chuyển nhượng cho đến khi lên sàn.
Như vậy kể cả là 1 Công ty Cổ phần bình thường, không Niêm yết trên sàn Chứng khoán thì hoạt động Chốt Danh sách Cổ đông để thực hiện 1 Quyền nào đó của cổ đông là rất bình thường. Và trong Chứng khoán tại Việt Nam, cơ quan Quản lý hoạt động này là Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD). Trong các Văn bản Trung tâm phản hồi cho các Đơn vị, Cơ quan luôn gọi hoạt động chốt Danh sách cổ đông này là Ngày Đăng ký Cuối cùng để ám chỉ 2 việc:
+ Sẽ Chốt Danh sách Cổ đông để thực hiện 1 Quyền nào đó.
+ Ngày Chốt chính xác là Ngày bao nhiêu (Tính vào cuối ngày).
Vì vậy khi Giao lưu với các Đơn vị cơ quan và nói miệng với nhau, người ta hay gọi Ngày Đăng ký Cuối cùng là: “Ngày chốt” hay “Chốt Ngày bao nhiêu”. Tất cả đều ám chỉ về Ngày Đăng ký Cuối cùng để thực hiện 1 Quyền nào đó của Cổ đông.
Tại sao Ngày Chốt Danh sách Cổ đông lại có Tên gọi là Ngày Đăng ký Cuối cùng?
Nhắc lại một chút Kiến thức về Thanh toán Chứng khoán tại Phần đầu của Bài viết Chu kỳ Thanh toán T+2, Ngày Giao dịch Không hưởng quyền, Ngày Đăng ký Cuối cùng và Ứng trước Tiền bán Chứng khoán và Ngày Giao dịch, Ngày Thanh toán, Ngày T và Ngày T+2 trong Chứng khoán. Ta biết rằng sau khi Mua xong Cổ phiếu tại Ngày hiện tại thì ta chưa thực sự Sở hữu và 2 Ngày làm việc sau mới thực sự sở hữu (Chính xác là 16h30 ngày T+2). Như vậy để được hưởng Quyền của cổ đông như ở trên thì thực sự ít nhất ta phải mua trước đó từ 2 Ngày làm việc tính từ Ngày Chốt Danh sách. Đặc biệt, Ai mua Cổ phiếu chính xác trước đó 2 Ngày làm việc so với Ngày Chốt Danh sách Cổ đông thì cũng được hưởng Quyền và là Ngày Giao dịch Cuối cùng vẫn có Quyền Cổ đông. Để đơn giản, Ta có Ví dụ:
Trong hình: Thông báo của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán về việc Chốt Danh sách Cổ đông – Tạm ứng Cổ tức năm 2018 bằng tiền của DGC vào Ngày 17/01/2019.
Theo Thông báo mới nhất của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán thì vào Ngày 17/01/2019 (Thứ 5) sẽ là Ngày Chốt Danh sách Cổ đông (Hay như trong Văn bản có ghi là Ngày Đăng ký Cuối cùng) được hưởng Quyền Cổ tức Tiền mặt của Cổ phiếu DGC. Việc chốt Danh sách này sẽ được thực hiện vào cuối ngày này lúc 17h. Nếu bạn Mua Cổ phiếu DGC trước đó 2 Ngày làm việc là Thứ 3 – Ngày 15/01/2019 thì theo Quy định về Thanh toán Chứng khoán, đúng 16h30 – Thứ 5 – Ngày 17/01/2019 bạn sẽ nhận được và thực sự Sở hữu Cổ phiếu DGC trên. 30 phút sau là 17h – Thứ 5 – Ngày 17/01/2019 thì Trung tâm Lưu ký Chứng khoán sẽ lập Danh sách những người được hưởng Quyền Cổ tức Tiền mặt DGC và do đó bạn vẫn sẽ nằm trong Danh sách này. Như vậy:
+ Thứ 3 – Ngày 15/01/2019 là Ngày Giao dịch Mua cuối cùng có Quyền.
+ Thứ 4 – Ngày 16/01/2019 là Ngày Giao dịch Mua đầu tiên không có Quyền hay thuật ngữ còn gọi là Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền (Xem thêm: Ngày Giao dịch Không hưởng Quyền là gì?). Vì 2 ngày sau mới sở hữu là 16h30 – Thứ 6 – Ngày 18/01/2019 và muộn 1 Ngày làm việc so với lúc Chốt Danh sách 17h – Thứ 5 – Ngày 17/01/2019.
Trong hình: Thông báo của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán về các Mã Cổ phiếu có Danh sách Cổ đông chốt vào Ngày 17/01/2019 và Nếu mùa bắt đầu từ Ngày 16/01/2019 thì sẽ không được hưởng Quyền.
+ Thứ 5 – Ngày 17/01/2019 là Ngày Cuối cùng ai đang sở hữu Cổ phiếu DGC sẽ được hưởng Quyền. Mọi cổ đông đều được Nhà nước ở đây là Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Đăng ký và Bảo đảm trong Danh sách này nên về sau có tên gọi tắt là Ngày Đăng ký Cuối cùng. Nôm na là tại từ trước giờ đến Ngày này ai đang Sở hữu (Không bán Chuyển nhượng đi) thì sẽ được hưởng Quyền cổ tức trên và Ngày 17/01/2019 là Ngày sở hữu cuối cùng còn được Quyền.
Một số quy định, Cách tra cứu, Lịch Công bố hàng ngày – Ngày Đăng ký Cuối cùng
– Quy định về Ngày Thông báo trước khi Chốt: theo quy định hiện tại thì Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (Viết tắt là VSD) là Cơ quan của Nhà nước tổ chức dưới dạng Công ty TNHH Một Thành viên Quản lý toàn bộ vấn đề Thanh toán Chứng khoán và Chốt Danh sách Cổ đông được hưởng Quyền ở Việt Nam. Để thực hiện việc Chốt Danh sách Cổ đông như vậy thì Công ty Niêm yết, Công ty Đại chúng có Mã Chứng khoán do VSD quản lý phải thông báo và làm Hồ sơ cho VSD trước 10 ngày làm việc. Như vậy về Nguyên tắc, ta sẽ biết Mã nào được chia Quyền trước 10 ngày làm việc so với Ngày Đăng ký Cuối cùng. Ta có Website chính của VSD www.vsd.vn:
Trong hình: Thông báo của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán hàng ngày trên Website về các Thông báo Ngày Đăng ký Cuối cùng mới nhất và Lịch Ngày Đăng ký Cuối cùng có thể tra cứu được hàng ngày.
– Thông báo Ngày Đăng ký Cuối cùng mới và Lịch Ngày Đăng ký Cuối cùng: hàng ngày Trung tâm VSD sẽ làm việc với các Công ty Niêm yết, Công ty Đại chúng có Mã Chứng khoán để thực hiện yêu cầu Chốt Danh sách Cổ đông của các Công ty này khi Hồ sơ yêu cầu đã đầy đủ. Các Thông báo mới nhất sẽ được trình bày ở bên Trái của Website như hình. Ngoài ra nếu bạn muốn biết đúng 1 tuần sau có những Mã Chứng khoán nào có Chốt Danh sách Cổ đông thì có thể chọn Ngày muốn tìm ở phía bên Phải của Website.
Chúc các bạn giao dịch thành công!